Người ấy lại nói:
- Sự vong như sự tồn, chết sống gì cũng vậy, nghĩ làm quái gì! À, trưa nay em có ăn cơm không?
- Cháu không ăn được.
- Thế em không ăn được, để thưa thầy khán hộ cho nấu cháo nhé?
Dạ cám ơn ông.
Có tiếng giày nện mạnh phía sau nhà gác lai nghe giọng nói tiếng Pháp, chắc là có đốc-tờ Tây đến, tôi nằm xuống kéo chăn lên đắp. Cả phòng thuốc thì im lìm không một tiếng động, thỉnh thoảng có tiếng ho và tiếng khạc nhổ.
Mấy hôm sau, tôi đã bớt rét, nhưng trong mình còn mệt lắm. Ngồi trên giường bệnh, tôi trông những con bệnh xung quanh có vẻ tồi tàn, ngơ ngác, nhưng họ vẫn còn hơn tôi nhiều. Tôi thèm ăn lắm, nhất là đồ chua và đồ ngọt. Mỗi một hàng quà, hàng cháo đi ngang qua cửa sổ, tiếng rao lanh lảnh, tôi lại nuốt nước bọt, mơ màng đến những thức ăn ngon. Ngó thân hình tôi thật là tệ, cái quần đùi vá đã rạn, dơ nhớp, cái áo đen hoen bụi bặm trắng phau; mình gầy, vốc võ, ghét bám đầy. Những lúc ngồi nghĩ vơ vẩn, tôi lại lấy tay cào đất ở cổ, ở lưng.
Thấy ông nằm bên cạnh đương lúi húi viết thư, tôi sực nhớ đến anh tôi, tôi muốn viết một bức thư cho anh tôi để xin tiền, và nói rõ hoàn cảnh của tôi hiện giờ cho anh tôi biết. Nhưng không có bút mực, không tiền mua tem, tôi lấy gì mà viết, lấy tem đâu mà dán vào bao thư? Hay là xin ông này một tờ giấy, còn không có tem tôi cứ bỏ thơ phạt cũng được.
Ngồi đợi ông ấy viết xong, thấy còn dư hai tờ giấy, mừng lắm, tôi lễ phép thưa:
- Thưa ông, cho cháu xin một miếng giấy viết thư.
- Đây này, em cứ lấy mà viết.
- Ông cho cháu mượn luôn cây viết và bình mực.
Ông ấy trao cho tôi hai tờ giấy và bút, mực. Tôi viết một tờ, còn một tờ làm bao thơ. Đã lâu lắm, gần ba năm rồi anh tôi không biết tôi đi đâu, ở đâu và làm gì, được thư tôi chắc anh mừng lắm.
Tay tôi run, viết không được, vì đã lâu lắm tôi không hề cầm bút. Viết được vài câu đầu, cảm động quá, tôi giơ tay lên lau nước mắt. Bây giờ thì nước mắt tôi nhiều quá, rớt xuống giấy nhoen cả chữ, tôi không ngăn nổi những dòng lệ thương tâm ấy, cứ mặc cho nó tuôn ra.