Người nằm bên cạnh thấy tôi không có ai tới thăm nom, cùng biết rằng tôi cô độc một mình Thấy tôi nằm, trân trân đôi mắt, người ấy hỏi:
- Em đau thế mà không cơm cháo gì à? Phải gượng ăn thì mới mạnh được chớ!
Gần một tuần lễ không ai hỏi han thăm viếng gì, trừ thầy khám hộ hỏi bệnh và chích thuốc. Tôi nằm đờ trên giường, miệng không hề nhếch mép. Thấy người ấy hỏi, tôi gắng ngồi dậy, nói chuyện cho đỡ buồn.
- Thưa ông, cháu đắng miệng lắm, ngậm cơm vào nuốt không xuống.
Người ấy lại hỏi:
- Em không có cha mẹ bà con gì sao?
Tôi lắc đầu chán nản:
- Cháu không có ai hết, cháu một mình!
Xúc động quá, tôi không nói được nữa, đôi dòng lệ từ từ chảy trên đôi má sâu hoắm dơ bẩn.
Người ấy an ủi tôi:
- Khóc mà làm gì. Ở đời này trời sanh sao chịu vậy. Tôi ở tận Phù Mỹ, cha mẹ mất sớm, ở với chú, chú dạy làm nghề thợ mộc cũng đủ sống, không vợ con gì. Thỉnh thoảng chỉ có chú tôi vô thăm thôi.
Ông còn có người thăm viếng, lỡ có xảy ra việc chẳng lành thì có người nhận lãnh, còn cháu chả có ai…
Bao nhiêu nỗi khổ trong lòng như muốn trút ra kể hết cho người ấy nghe, nhưng tôi cố quên, nhắc lại càng đau đớn lắm. Tôi nói tiếp:
- Cháu khổ lắm, chết sống tự trời, nhưng cháu chỉ sợ nếu cháu chết, họ vứt vào nhà xác, rồi họ làm thế nào ông nhỉ?
Người ấy trơn đôi mắt vàng úa, hé đôi môi lợt lạt nhếch mép cười, một cái cười buồn rầu thảm hại:
- Nghĩ làm quái gì cái điều ấy. Em chỉ nghĩ làm sao cho mau mạnh, chớ ở nhà thương này không phải một mình em thôi đâu! Hàng trăm, hàng ngàn người cùng số phận như em… Như chúng mình, họ bó chiếu đem chôn.
Nghe những câu ghê rợn, tôi không sợ cho mảnh linh hồn tôi lạc hướng, phần xác tôi lăn lóc cực nhọc, bị họ dày vò, tôi chỉ sợ sau này má tôi và anh Diệu tôi không tìm thấy dấu tích tôi để đến viếng thăm. Tôi lại khóc.