Nói đến mười lăm năm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tại sao tôi cứ nhớ đến ông cử nhân họ Mai, dạy chữ Hán ở trường Quy Nhơn, lúc tôi còn học lớp nhì (tương đương cấp I). Ông hay chữ, làm nghề này dưới thời Pháp thuộc, lương tháng 18 đồng bạc; ông đã già, tôi mới 13 tuổi; tôi nhớ mãi cái giọng Bình Định rền rền bùi ngùi của ông, khi bao nhiêu lần ông ngâm trong lớp:
Mấy ai ở đặng hảo tâm
Nắng hun giúp nón, mưa dầm giúp tơi.
Tôi nhớ mãi, vì đó là tiếng than thở của cái xã hội xưa, trong đó chẳng ai thương ai. Tôi nhớ lại hôm nay, khi nghĩ đến lòng chăm chút, cưu mang của chế độ ta đối với nhà văn. Ôi người mẹ hiền! Tôi chưa thấy ngành y tế nào có thể bảo vệ sự thai nghén được chu đáo như Đảng chăm sóc sự thainghén văn học. Nắng hun giúp nón, mưa dầm giúp tơi; thiếu thực tế, thì cho đi thâm nhập thực tế- thiếu văn hoá thì cho đi học văn hoá; từng chặng từng-chặng, lại mời các ngành đến trình bày tình hình cho các nhà văn nghe; trước khi các nhà văn đi về thực tế, thì thông tư cho các cấp uỷ, dặn dò cấp uỷ tích cực giúp đỡ; cung cấp lương tiền; sắm cả cho mỗi người một túi thuốc để về địa phương;
Đảng rất lo nhà văn xa mất cái hơi thở, hơi mồ hôi của quần chúng mà rơi tàn héo hắt. Ôi, người mẹ quá hiền nữa kia! Tôi tưởng chăm sóc đến như Đảng, thì người không có buồng trứng sáng tác cũng đẻ ra tác phẩm! Nếu viết xoàng hay không viết được, thì chỉ còn có trách mình nữa thôi! Không phải là không có số ít trường hợp năm mười năm đi đi lại lại thực tế, mà chẳng đẻ ra là sao! Nhưng Đảng đã lo đại sự, thì không nề những cái phí nhỏ. Các bạn mới vào làng văn, được hưởng sự chăm nom chí tình của chế độ ta, có biết chăng dưới chế độ cũ, quy luật cạnh tranh, đào thải tự nhiên thật là khốc liệt ở trong văn học? Có biết chăng đến nhà văn lão thành cũng phải bán văn nuôi miệng? Huống chi nhà văn trẻ, họ bị vứt ra bơi lấy một mình ở giữa dòng đời đầy rác rưởi, bùn tanh.