Pages

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu

         Trong những văn thơ của các bạn gửi đến Phong Hoá hồi báo còn sống, một hôm chúng tôi nhận được một bài thơ ngắn dưới ký tên Xuân Diệu. Bài thơ ấy tả cái sức huyền diệu, cái lực thần tiên của âm nhạc vang động tới tận tâm hồn. Tác giả thấy hương thơm của hoa, thấy vị say của rượu ngọt, màu hương thơm của ánh sáng và những cảnh sương khói hiển hiện lẫn lộn trong dòng suối, lời chim và tiếng khóc than.

Xuân Diệu


       Ý thơ tỏ ra thi sĩ có một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc, nhưng lời thơ chưa được chải chuốt: ngượng nghịu như những ngón tay đờn uốn nắn còn non. Cách đó ít lâu, ông Xuân Diệu gửi đến một bài thứ hai sửa lại bài trước, trong đó chúng tôi thấy sự âu yếm của thi sĩ đối với nghệ thuật mình, và sự cố gắng diễn đạt những cảm tưởng của mình bằng những lời xứng đáng. Ông khuyên người yêu hãy lắng nghe “khúc nhạc thơm” nhuần thấm, hãy “uống thơ tan trong khúc nhạc” và:

Hãy tự buông cho khúc nhạc hường

Dẫn vào thế giới của Du Dương;

 Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy

Hiển hiện hoa và phảng phất hương…

        Đó là bốn câu chu đáo nhất trong mười sáu câu bối rối và mơ hồ.

       Bài thơ bởi thế không đăng, nhưng chúng tôi chắc thế nào cái thiên tài khép nép kia sẽ có lúc nẩy nở ra và khi đó sẽ có những màu đậm đà, những ánh xán lạn.

       Quả nhiên sự mong ước của chúng tôi thành sự thực.

       Ông Xuân Diệu lần lượt gửi thơ đến, và cũng là gửi những lời hứa hẹn chắc chắn của tâm hồn ông.

        Đó là một tâm sự nồng nàn kín đáo, một linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm, hiện ở trong những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột. Cảnh sắc của sự vật, nỗi âm thầm của tình ái, dáng tươi cười của mùa xuân, nỗi tiếc thương lạnh lẽo của mùa thu, lời van xin, khuyên nhủ của tấm lòng yêu thấm thía nhưng rụt rè; tất cả những tình cảm ấy đều tả trong thơ Xuân Diệu một cách mới lạ, ý nhị, vừa đơn giản, vừa đầy đủ, gợi cho ta thấy những hình ảnh, những tư tưởng bát ngát và tươi đẹp không ngờ. Thơ của ông không phải là “văn chương” nữa; đó là lời nói, là tiếng reo vui hay tiếng năn nỉ, là sự chân thành cảm xúc, hoặc là những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm…



Từ khóa tìm kiếm nhiều: thơ tình xuân diệu, nhà thơ xuân diệu