Các-Mác đã từng nói cái xã hội tư bản đặc biệt hà khắc với một người sống bằng nghệ thuật, ví dụ như thơ. Nhiều khi, có những anh bạn nhanh nhẩu đoảng giới thiệu tôi là “thi sĩ” ở giữa một số người, làm tôi tức, cảm thấy bị làm nhục, như ai đem vứt một cành hoa xuống đất. Những khi đứng giữa bọn nhà buôn, bọn ông quan, tôi chỉ mong chúng đừng biết mình là “thi sĩ”. Một mặt khác, làm thơ là một đằng, còn làm ăn lại đi một nhẽ khác. Làm ăn! Kiếm ăn!
Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt,
Cơm áo không đùa với khách thơ.
(1938)
Từ ngày Cách mạng Tháng Tám, tôi hoạt động ở Văn hoá cứu quốc, người thi sĩ được coi như một cán bộ; những năm gian khổ nhất của Kháng chiến, tôi được lĩnh lương 48 ki-lô gạo; tuy ít ỏi, 48 ki-lô gạo ấy quý báu hơn tất cả vàng bạc nào; người thi sĩ được chế độ mới coi như một người có ích, chính thức lĩnh lấy trách nhiệm nuôi anh, đế anh làm thơ, phục vụ nhân dân. Còn xã hội cũ ấy anh ra ngoài rìa cuộc đời, anh làm thơ, xã hội cũ bất biết! anh muốn sống, anh phải làm nghề khác.
Tôi và bạn Huy Cận ở trên gác 40 Hàng Than (1939 – 1940) , ở dưới nhà là nhà thơ Lưu Trọng Lư. Xã hội cũ đặt tôi giữa một gọng kìm. Tôi biết rõ lắm: làm thơ không phải là một hậu phương, làm thơ không sống được, tiền phương làm cách mạng: trình độ tôi lúc đó chưa đẩy tôi lên. Chỉ còn lại cái gọng kìm ác nghiệt; một là làm thơ như anh Lưu Trọng Lư ởdưới gác: viết văn, viết truyện bán cho một ông xuất bản tư sản dân tộc, anh Lư có tài; nhưng cứ viết mãi, bán bản thảo hàng tháng như vậy, thì được mấy năm? Khi cái túng thiếu nó thúc bách, thì văn viết chưa chín vẫn cứ phải bán. Và anh Lưu Trọng Lư viết truyện được, chứ tôi không viết truyện được. Tôi thương anh Lư, và sợ cho cái “nghề” viết văn! Phải kiếm nghề khác. Tôi đã thử làm thầy giáo dạy trường tư, tôi dạy rất xoàng. Tôi bèn đi thi làm tham tá nhà đoan (thương chính, thuế quan).