Lòng thi sĩ thấy rõ điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu éo le của cảnh đời mà Xuân Diệu yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín, giấu giếm, trong đó ẩn sự huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một biển chiều, và tất cả tâm hồn khó hiểu của người, của cảnh. Rồi càng khó hiểu, người thi sĩ càng cố tìm, ông dò xét cái “thế giới bên trong”; lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng vụn sầu tủi.
Nên chịu mất một ít kiêu căng để được thêm rất nhiều sự sống. Vì ông đã du ngoạn trong xứ yêu mến, nói cho ta hay những đường loi uẩn khúc quanh co.
Ông còn nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế. Con người phức tạp cũng đơn sơ, con người thiết thực cũng mơ mộng: ông có một trái tim, nhưng ông còn có một linh hồn, ông tỏ ra đã từng vào trong thế giới của sự u huyền: hương trầm, âm nhạc; thời khắc, khói sương… tất cả đều nói cho ông nghe những lời chi li và những dây liên lạc. Với những -câu thơ ít lời nhiều ý, súc tích như đọng lại bao nhiêu tinh hoa, Xuân Diệu là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần mẫn.
Nhưng ở trên nhà nghệ thuật, ở trên nhà thi sĩ, ta thấy lòng ta mến yêu một linh hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái đa tình. Người ấy chắc chắn không cần phải quá đợi chờ, van xin, vì lẽ nào cõi đời còn mãi mãi lạnh lùng vô tư, khi đã nghe tiếng đàn si mê của Xuân Diệu.