Mười lăm năm, viết ra được mười bốn quyển sách trong chế độ ta, tôi lĩnh hội được cái quý báu vô ngần này: là gió, là điện của công chúng cách mạng, mà phần lớn gồm công nông binh. Một Mạnh Thường Quân, một vua Luy 14 nào cũng lu mờ, tẹp nhẹp so với cái rộng rãi, độ lượng của công chúng cách mạng đối với văn nghệ và văn nghệ sĩ. Người thi sĩ đọc thơ mình trước quần chúng, nếu thơ đó chí tình, dễ thông cảm là được sự hoan nghênh khuyến khích của những người lao động; chính sự hoan nghênh hồn nhiên đó cổ vũ nhà thơ càng ngày càng sáng tác hay hơn.
Phục vụ ai cho bằng phục vụ quần chúng; những chục trứng gà, những bó chè tươi, những rổ khoai lang, những cái nắm tay của họ thưởng công cho, làm anh mãi mãi không quên. Và đến nay, năm thứ 15 Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người thi sĩ bỗng khám phá một điều: anh gieo hạt tác phẩm của anh trên một miếng đất thần thông biến hoá! Năm 1955, tập thơ Ngôi sao của tôi in 1.500 quyển; năm 1960, tập thơ Riêng chung của tôi đã in đến 6.000. Có một phần là do sự tiến bộ của thơ tôi, còn phần lớn, là do chế độ ta từng ngày, từng năm thêm người đọc; có thể gọi chăng, đó là một phép tiên, một ân huệ của chế độ đổ vào túi thơ của người thi sĩ. Cái ngạc nhiên thật là dễ chịu! Và miếng đất thần thông sẽ nhân cái hạt tác phẩm lên đến bao nhiêu nữa, khi nước nhà thống nhất, khi hoàn thành một, hai kế hoạch năm năm? Gió, gió càng lớn mãi thổi vào buồm!
Tôi đi cân thuốc bắc ở hàng mậu dịch: chị biên hoá đơn hỏi thăm ốm thế nào? Đến công an khu phố, được hỏi thăm bấy lâu sáng tác ra sao? Vào triển lãm: người ta đùa thân mến cái anh làm thơ… Nào đâu là sự tự ái chết điếng người trong chế độ cũ khi bị gọi là “thi sĩ”! Những con mắt, những con mắt nhìn trìu mến, khuyên khích, đỡ nâng, làm cho tôi, khi trở về lại thầm nói một mình:
– Dễ đem gan óc đến nghi trời mây! Làm thế nào đền ơn cho nhân dân, cho công chúng?
– Dễ đem gan óc đến nghi trời mây! Làm thế nào đền ơn cho nhân dân, cho công chúng?