Đây mùa thu tới của Xuân Diệu là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mói. Tiếp nối mùa thu của thơ ca dân tộc các nhà thơ mới đã có những đóng góp quan trọng trên đề tài này. Cũng giống với mùa thu xưa, với bầu trời xanh thắm, nắng vàng, trăng thanh, sương khói phủ… nhưng các nhà thơ mới đã miêu tả thiên nhiên với cảm hứng hiện đại. Không chỉ là hình ảnh và cảm xúc, các nhà thơ mới đặc biệt chú ý đến sự cảm nhận trực tiếp của các giác quan.
Quan sát, lắng nghe rất cụ thể và tinh vi cùng với những liên tưởng, mộng tưởng đã góp phần tạo cho những bài thơ viết về thiên nhiên vừa chân thực vừa thơ mộng. Xuân Diệu có những khám phá tinh vi về thị giác trong Đây mùa thu tới, Lưu Trọng Lư lắng nghe tinh tế từ cái xào xạc của lá thu đến lòng thổn thức của tình thu ở người thiếu phụ qua bài Tiếng thu. Huy Cận với chất thu man mác trong nhiều bài và lặng buồn với Thu rừng. Chế Lan Viên buồn đến nao lòng mỗi độ thu về. Chùm thơ về mùa thu trong phong trào thơ mới như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu và Thu của Chế Lan Viên gồm những bài hay vào loại bậc nhất trong thơ mới.
Trong tâm trạng riêng của mỗi người đều mang nỗi niềm riêng của một thế hệ. Đẹp và buồn là nét chung của những bài thơ thu của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chê Lan Viên, Huy Cận. Khi nói về những cảm xúc thiên nhiên trong thơ mình Xuân Diệu hay nhắc đến bài Đây mùa thu tới và xem như một sáng tác khá hoàn thiện. Trong những lần hỏi chuyện Xuân Diệu, Xuân Diệu đã nói say sưa về sáng tác này. Không gì quí hơn được nghe chính tác giả nói về đứa con tinh thần của mình từ lúc còn thai nghén.
Tôi ghi lại những câu hỏi và ý kiến trả lời của Xuân Diệu trong buổi nói chuyện với anh cách đây đã hai mươi lăm năm. Khi tôi hỏi anh về những bài hay nhất trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng, Xuân Diệu đã lần lượt giới thiệu và phân tích các bài Lời kỹ nữ, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, Thơ duyên…
Hỏi: Đọc “Đây mùa thu tới” của anh tôi thấy tác giả có những sáng tạo mới khác với tình thu và cảnh thu trước đây, anh đã kế thừa những gì của thơ phương Đông, phương Tây, qua sáng tác này ?