Ở Bình Trị Thiên thăm bão lụt, hôm nay Hoan mới ra, và xuống đến sân bay Hà Nội thì mới hay tin Diệu mất. Anh Cở, chủ tịch Nghĩa Bình quê Diệu, quê má Gò Bởi, khóc ở sân bay. Đến 51 Trần Hưng Đạo thì quan tài sắp lên xe tang! May còn kịp! May ư? Hở Diệu? Cận đâu? Cận 23 mới về! Cháu Vũ của bác Diệu đâu? Cháu Vũ chưa về! Anh Lành đâu? Anh Lành cũng đang họp ở nước ngoài! Sao mà Hoan ngu thế! cả nhà ôm Hoan khóc, Hoan đến thăm Diệu còn hỏi Diệu đâu! Diệu nằm kia, qua mặt kính còn thấy Diệu.
Hoan cố nhìn, cố nuốt cái hình dáng Diệu, rời đây vĩnh viễn chỉ còn thấy trên phim trên ảnh mà thôi. Nhưng Diệu đừng buồn (Diệu sinh thời luôn vui mà tính hay buồn). Những người thân yêu của Diệu có gần đủ. Xuân Như, em gái Diệu, Huy em trai Diệu, Tịnh Hà đứa em mà Diệu hết sức chăm lo, ở trong Nam cũng vừa ra kịp, một bộ quần áo đơn sơ giữa mùa gió lạnh này. Và bạn bè, bạn bè!… Anh em văn nghệ cưu mang đùm bọc lấy nhau, từ các anh già bảy tám mươi như anh Phan, anh Dụng, anh Lự, cho đến các anh em trẻ Vũ Quần Phương, Đỗ Chu… đến những anh chị em mới viết bài thơ đầu, truyện ngắn đầu, tất cả đều biết Diệu đi là một tôn thất vô cùng to lớn.
Câu ấy chúng ta nói quá hoá nhàm, nhiều khi vô nghĩa, nhưng trên xe tang, Hoàng Trung Thông người từng đề tựu cho Diệu, Thông và Hoan đều thấy rằng Diệu từng là một bóng cây to che mát một góc vườn văn học Việt Nam nửa thế kỷ này. Từ nay cho đến cuối thế kỷ góc vườn ấy sẽ quang đi! Ôi, không phải lúc làm cái công việc cân đo lường ấy đâu Diệu ạ! Mà quần chúng chạy theo xe tang kia họ đã đánh giá rời. ừ, mới hôm qua thôi, Diệu còn cót két đạp xe đạp ngoài đường, sắp hàng mua các thứ, hay đi dạo chơi trước khi về căn phòng nhở ở 24 Cột Cờ “Nhà ta 24 Cột Cờ, Ai quen thì tới, ai lờ thì thôi”. Hôm qua Diệu còn đó, họ chưa vội đánh giá, chưa biết đặt chỗ nào, nhưng nay thì họ đã đánh giá rời: họ đã dành những dòng lệ quý nhất cho Diệu như khi cho cha mẹ, vợ con, cho người yêu mình, cho các chiến sĩ vì họ đổ máu trên các chiến trường. Và chỗ nằm của Diệu họ cũng đặt xong: cùng với Tản Đà, Tú Xương, Yên Đồ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… nghĩa là những tinh hoa của giống nòi, của dân tộc mà Diệu đã từng ca tụng bằng tài năng lớn và tâm huyết lớn của mình.
Hoan từng nói đùa là năng suất của Diệu bằng cả một Viện văn chương mà Diệu vừa là viện trưởng, vừa là viện phó, bởi vì chỉ một mình Diệu đã viết hầu hết các danh nhân văn học! Viết hay khó ai thay được!